Chất béo đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, duy trì nhiệt độ và nguồn vitamin quan trọng cho cơ thể. Mỗi chất béo có vai trò khác nhau, do đó việc cân đối giữa các loại chất béo trong dinh dưỡng là rất cần thiết.
Báo động thực trạng mất cân bằng dinh dưỡng!
Theo số liệu từ các cuộc khảo sát về dinh dưỡng được tiến hành trên toàn quốc, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về rối loạn dinh dưỡng. Bên cạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao ở nông thôn và các vùng miền núi, đã xuất hiện xu hướng rất đáng báo động về sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì ở một số bộ phận dân cư, đặc biệt tại các thành phố lớn. Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000: tỷ lệ thừa cân ở nữ từ 45- 49 tuổi khu vực thành phố trong toàn quốc là 9,9%; năm 2005: tỷ lệ này đã lên tới 16,3% ở người trưởng thành trong toàn quốc và 32,3% ở khu vực các thành phố. Bên cạnh đó, các bệnh rối loạn khác có liên quan tới dinh dưỡng không hợp lý cũng tăng lên nhanh chóng như bệnh đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp, mỡ máu cao…
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2008, khẩu phần ăn của người trưởng thành Việt Nam đã có cải thiện đáng kể, khẩu phần chất đạm và chất béo đã tăng nhiều so với năm 2000. Tuy nhiên, đa số người dân chưa hiểu biết đầy đủ về việc sử dụng cân đối giữa 3 loại chất béo quan trọng SFA, MUFA, PUFA; bữa ăn hằng ngày vẫn chưa đáp ứng sự cân đối chất béo theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng.
1:1:1- “Tỷ lệ vàng” của các chất béo quan trọng
Có 3 nhóm chất béo chính là: chất béo bão hòa (SFA – Saturated fatty acid), chất béo chưa bão hòa đơn (MUFA – Mono unsaturated fatty acid) và chất béo chưa bão hòa đa (PUFA – Poly unsaturated fatty acid). Đã có rất nhiều các nhà khoa học và tổ chức uy tín trên thế giới nghiên cứu về tỷ lệ tối ưu của 3 loại chất béo này. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn cân đối 3 loại chất béo nêu trên theo tỷ lệ 1:1:1.
Chất béo động vật (mỡ, bơ, thịt mỡ) thường có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Chất béo chưa bão hòa thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm như: cá, hải sản, đậu phụ, đậu nành, các hạt có dầu, các loại dầu ăn được chiết xuất từ các loại hạt.
Khẩu phần ăn đạt được sự cân đối khi có khoảng 6 – 10% năng lượng do chất béo bão hòa (SFA), 6-<=10% năng lượng do chất béo chưa bão hòa đa (PUFA) và 5-10% năng lượng do chất béo chưa bão hòa đơn (MUFA). Do đó, để đạt được tỷ lệ tối ưu 1:1:1, nên phối hợp ăn những thực phẩm tự nhiên với loại dầu ăn phù hợp, giúp cơ thể đạt được tỷ lệ cân bằng dinh dưỡng lý tưởng về chất béo.
PGS.TS – BS Nguyễn Thị Lâm
(Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia)