13/13 mẫu màng bọc thực phẩm PVC được kiểm nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM có thôi nhiễm chất dẻo cấm sử dụng DEHA.
Màng bọc thực phẩm PVC thôi nhiễm chất gây dậy thì sớm
TS Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trước thông tin cảnh báo về một số màng bọc bảo quản thực phẩm polyvinyl chloride (PVC), có chứa chất dẻo Di-Ethylhexyl Adipate (DEHA), Cục An toàn thực phẩm đã khẩn trương chỉ đạo Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Vệ sinh y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh lấy 15 mẫu màng bọc thực phẩm để kiểm nghiệm phát hiện DEHA đang lưu hành tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả giám sát ban đầu cho thấy: 13/13 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm PVC có thôi nhiễm DEHA. Tuy nhiên, mức độ thôi nhiễm không vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU tại văn bản số 10/2011 ngày 14/1/2011 (3mg/1dm2 tương đương 18mg/kg thực phẩm). 02/02 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm PE không gây thôi nhiễm DEHA.
Cục An toàn thực phẩm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra giám sát và hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong màng bọc thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm trên thị trường.
Được biết, trước đó vào ngày 29/7/2013, Báo mạng Tân Hoa Xã, Nhân dân của Trung Quốc đưa tin Kênh truyền hình CCTV cho biết màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại Trung Quốc có chứa chất dẻo cấm sử dụng là DEHA.
Theo CCTV, Trung tâm tư vấn kỹ thuật bảo vệ môi trường Bắc Kinh đã lấy 16 mẫu màng bảo quản PVC từ các siêu thị của Bắc Kinh, Thượng Hải, Quản Châu để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy có 15/16 loại có chứa chất dẻo cấm sử dụng là DEHA (diethylhydroxylamine). Trong đó, mức thấp nhất vượt ngưỡng cho phép 98 lần, cao nhất vượt ngưỡng 472 lần, bình quân vượt ngưỡng gấp 200%.
Trước thông tin cảnh báo trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Vệ sinh – Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu giám sát, kiểm nghiệm DEHA và những hóa chất thôi nhiễm độc hại khác đối với sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu kiểm nghiệm sẽ tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chuyên gia khuyên không nên sử dụng màng bọc PVC để bọc thực phẩm
Cách nhận biết màng bọc thực phẩm độc hại
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, không nên dùng màng bọc PVC để bọc thực phẩm. Bởi màng nhựa PVC cứng, giòn nên khi sử dụng chất liệu này để làm bao bì thực phẩm, màng bọc, nhà sản xuất thường cho thêm chất hóa dẻo để làm tăng độ dai cho màng bọc. Màng bọc PVC nếu có hàm lượng chất dẻo DEHA cao có thể gây rối loạn hệ thống nội tiết, gây hiện tượng nữ sớm dậy thì, nam vô sinh, đặc biệt là sự phát triển bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.
Chính vì những tạc hại nguy hiểm này, hiện nay, đã có nhiều nước cấm sử dụng chất dẻo DEHA để sản xuất màng bọc thực phẩm. Trung Quốc đưa ra quy định cấm từ năm 2005.
Để bảo vệ sức khỏe, TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên người dân nên sử dụng màng bọc PE, thay màng bọc PVC vì màng bọc sử dụng chất PE tinh khiết không có độc hại.
Có 3 cách phân biệt màng bọc PVC và màng bọc PE. Thứ nhất là nhìn màu sắc: cuộn màng bọc màu vàng là PVC, màu trắng là PE. Thứ hai là sờ bằng tay. Màng bọc PE nhìn chung ít dính tay khi sờ vào, dễ dàng bóc ra, còn màng PVC thì dính chặt, không dễ dàng bóc ra. Thứ ba là thử bằng cách đốt cháy. Màng PE đốt cháy nhanh, còn màng PVC sẽ khó bắt lửa hơn và khi cháy có mùi hắc.
TS Hùng khuyến cáo thêm người tiêu dùng không sử dụng màng bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao >70o C, hạn chế sử dụng màng bọc thực phẩm chứa đựng thực phẩm giầu chất béo dầu ăn, pho mát, thịt rán); không gia nhiệt bằng lò vi sóng khi thực phẩm còn bọc cả màng bọc PVC.
Mai Hương